Trà Ô Long (trà olong) là một dòng trà lên men được làm từ cây trà. Hiện nay thì loại trà đang được trồng và sản xuất phổ biến ở Việt Nam. Phần lớn trà làm ra được xuất khẩu. Còn lại một phần thì tiêu thụ trong nước.
Càng ngày càng có nhiều người biết đến trà o long. Vì nhiều thương hiệu trà sữa đang sử dụng trà oolong trong các món pha chế của họ. Như trà sữa ô long hay các món trà trái cây.
Có điều bạn nên biết là loại trà oolong có một lịch sử dài và thú vị. Chưa kể là loại trà ô long mà bạn quen thuộc chỉ là một trong số rất nhiều loại trà olong
TRÀ Ô LONG LÀ GÌ?
Vào khoảng thế kỷ 17 thì ở núi Vũ Di (tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) đã có một loại trà mới đã được tạo ra. Loại trà này ban đầu được gọi là nham trà, hay “trà núi đá”. Cái tên này dùng để mô tả vùng núi đá nơi mà cây trà này được trồng.
Thế nhưng, cái tên “nham trà” vào lúc này chưa đủ thú vị. Vậy nên những người làm trà cần phải nghĩ ra một cái tên nào đó hấp dẫn hơn. Để dễ bán trà hơn. Và một cái tên được xem đẹp hơn ra đời, đó chính là “Mân Bắc Ô Long”.
Mân Bắc ở đây chính là phía Bắc của tỉnh Phúc Kiến. Nơi có dãy núi Vũ Di. Và cái tên “Ô Long” thì có nhiều giả thuyết cho sự ra đời cho cái tên này. Nhưng có vẻ chuẩn xác nhất chính là hình dáng lá trà. Cánh trà dài, màu đen và cong như một con rồng đen đang bay lượn vậy.
Đọc đến đây thì nhiều người sẽ thốt lên: đây không phải là trà Ô Long. Vì trà Ô Long mà họ biết có hình dạng viên như hạt đậu. Cánh trà có màu xanh.
Nhưng bạn cứ từ từ. Vì hình ảnh trên là loại trà Ô Long ra đời đầu tiên. Và loại trà Ô Long mà người Việt Nam chúng ta quen thuộc thì mãi thế kỷ 20 mới ra đời.
Cách làm trà Ô Long từ Vũ Di được truyền sang những vùng khác. Từ mang tính địa danh là Mân Bắc được bỏ đi. Chỉ giữ lại cái tên Ô Long. Những vùng này hợp thành 4 vùng trà Ô Long chính:
- Mân Bắc Ô Long (Phúc Kiến):dòng Nham Trà Vũ Di
- Mân Nam Ô Long (Phúc Kiến): dòng Trà Ô Long An Khê (Thiết Quan Âm)
- Phượng Hoàng Ô Long (Quảng Đông): dòng trà Đơn Tùng Phượng Hoàng
- Đài Loan Ô Long: dòng trà Cao Sơn
Loại trà Ô Long mà người uống trà Việt Nam quen thuộc nhất chính là nhóm trà Ô Long đến từ Đài Loan. Vào những năm 1990s thì những người Đài Loan bắt đầu trồng trà và đầu tư sản xuất ở một số vùng ở Lâm Đồng.
Loại trà Ô Long của Đài Loan thường có viên trà to và xanh. Nếu đem so sánh với “nham trà” ở trên thì hoàn toàn khác biệt. Nếu uống cả hai loại thì cũng không hề giống nhau một chút nào. Vậy tại sao cả hai đều gọi là trà Ô Long?
Đó là một câu chuyện dài kéo dài qua nhiều thế kỷ nhiều biến động.
LỊCH SỬ TRÀ Ô LONG
Trước khi trà Ô Long ra đời, thì người Trung Hoa cổ đại đã có thói quen thưởng trà rất cầu kỳ. Nhất là giai đoạn nhà Đường (618-907) và phổ biến nhất giai đoạn nhà Tống (960-1279).
Loại trà được uống vào những thời điểm ban đầu này là một dạng trà xanh. Lá trà đơn thuần chỉ là được phơi khô. Sau đó ép lá trà lại thành bánh để tiện bảo quản và di chuyển. Mỗi lần uống thì lá trà sẽ được tách ra, nghiền thành bột rồi khuấy với nước nóng để uống.
Giai đoạn nhà Đường (618-907) thì cả việc làm trà lẫn thưởng trà đều có sự “nâng cấp” hơn. Lá trà nếu chỉ phơi khô thì vị hơi chát và màu không đẹp. Thế là công đoan “diệt men” được ra đời bằng cách hấp lá trà. Và đến tận ngày nay thì công đoạn “diệt men” vẫn là công đoạn quan trọng nhất trong sản xuất trà xanh.
Uống trà vào giai đoạn này cũng được nâng lên thành một bộ môn nghệ thuật. Pha trà phải có những bước nhất định. Rồi trà ngon bắt buộc phải có những yếu tố nào. Những cuộc “đấu trà” cũng được tổ chức ở nhiều nơi.
Giai đoạn hưng thịnh nhất của trà là vào thời nhà Tống (960-1279). Lúc này trà là một phần không thể thiếu của mọi giai cấp. Nhất là tầng lớp vua chúa và quan lại. Thế nên mới xuất hiện một nhóm trà tên là “Cống Trà”.
Cống Trà về cơ bản là một dạng trà chất lượng cực cao được quan lại tiến vào cung. Ai dâng trà ngon thì tất nhiên là được “ưu ái” hơn. Chính xu hướng này đã giúp tạo nên các dòng trà xanh danh tiếng như “Long Tỉnh” hay “Bích Loa Xuân”.
Vũ Di vào thời gian này cũng là vùng sản xuất trà danh tiếng. Vào thời Tống thì họ có một dòng trà cực kỳ nổi tiếng đó là Long Phụng Đoàn Trà. Trà được vo thành viên như quả bóng nặng cỡ 1 cân (500g). Bọc bên ngoài là lụa vàng và chỉ để dâng lên cho vua.
Thế nhưng mọi thứ sụp đổ khi vua nhà Minh (1368 – 1644) là Chu Nguyên Chương lên ngôi.
Do lo sợ tham nhũng kiểu dâng “Cống Trà” để đổi lấy quyền lực như thời nhà Tống. Với lại xuất thân là nông dân. Nên Chu Nguyên Chương cấm luôn các kiểu “Cống Trà”. Các kiểu làm trà cũng như thưởng trà “xa xỉ” là bị bỏ hết.
Vũ Di lúc này đang nổi tiếng với Long Phụng Đoàn Trà. Tất nhiên là chịu thiệt thòi nhất. Những người làm trà không chỉ bị thất thu. Mà các trang thiết bị để họ sản xuất trà cũng bị tịch thu. Thế là bắt đầu một chu kỳ đen tối kéo dài hơn một thế kỷ đến với vùng trà này.
Thời kỳ đen tối của vùng trà Vũ Di kết thúc vào khoảng giai đoạn nhà Minh sụp đổ. Lúc này những người làm trà ở đây chủ yếu là các nhà sư. Vùng phía Bắc của Phúc Kiến lúc này có nhiều đền chùa Phật Giáo. Nếu không muốn nói đây một trong những là trung tâm Phật Giáo sớm nhất của cả khu vực.
Đối với các nhà sư thì uống trà là một phần trong cuộc sống tu hành của họ. Để làm lá trà khô thì họ sử dụng một kỹ thuật đó chính là hun khói vào lá trà. Rồi một cơ duyên nào đó lúc làm trà thì họ để lá trà lên men một phần. Thế là có một loại trà mới.
Không ai biết rõ chính xác quy trình làm trà mới này thực sự ra đời ra sao. Chỉ biết là cái tên “nham trà” xuất hiện trong một bài thơ của một nhà sư. Và cái tên “nham trà” vẫn còn tồn tại đến tận ngày ngay.
Nhưng sau lại đổi là Ô Long. Có một số giải thuyết cho sự ra đời của cái tên này. Nhưng thực tế nhất chính là việc cánh trà dài và uốn cong như một con rồng đen bay lượn. Hoặc là để gợi nhớ đến cái tên Long Phụng Đoàn Trà trứ danh ngày xưa.
CÁCH LÀM TRÀ Ô LONG
Để định nghĩa được chuẩn trà Ô Long thì rất khó. Về cơ bản thì Ô Long là một nhóm trà được lên men. Cách làm trà Ô Long về cơ bản sẽ có một số bước quy chuẩn giống nhau.
Thế nhưng mỗi vùng lại có mỗi phong cách khác nhau một chút. Mỗi nơi họ vẫn áp dụng quy tắc cơ bản, nhưng có thay đổi và thêm bớt riêng. Vậy nên trà của mỗi nơi mặc dù đều là Ô Long nhưng sự khác biệt lại rất lớn.
Trong phần này thì chúng ta sẽ tóm tắt một số bước chung và cơ bản nhất của việc làm trà Ô Long. Những bước sau chỉ nêu khái quát cách làm trà mà thôi. Trên thực tế thì cách làm trà Ô Long phức tạp và mất thời gian hơn rất nhiều.
Thu hoạch
Đầu tiên đó chính là thu hoạch. Thường thì trà Ô Long sẽ không thu hoạch sớm như trà xanh. Trà xanh thường sẽ được thu hoạch sớm vào mùa xuân. Trước lễ tảo mộ. Tức là khoảng trước Tháng Tư. Thế nên trà xanh mới có phân khúc Minh Tiền (trước tết Thanh Minh). Còn trà Ô Long thì không.
Trà Ô long thường sẽ được thu hoạch vào khoảng tháng 4 và tháng 5 cho vụ xuân. Việc hái muộn giúp cho người làm trà có thể thu hoạch được loại lá đã phát triển đủ lớn để làm trà Ô Long.
Làm héo
Lá trà sau khi thu hoạch sẽ được “làm héo” dưới ánh mặt trời. Lá trà được rải mỏng trên một tấm nia bằng tre. Sau đó phơi dưới ánh mặt trời.
Lên men
Khi cánh trà mất đủ nước và trở nên dai hơn nhiều. Thì lá trà được đưa vào trong nhà để bắt đầu quá trình “làm héo mát”. Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng đối với việc làm tà Ô Long.
Đối với trà Đài Loan hay Thiết Quan Âm thì thời gian “làm héo” sẽ ngắn. Mục đích là để trà chỉ lên men ít thôi. Vì đối với kiểu trà ở hai nơi này thì họ cần hương hoa và tươi nhiều hơn.
Còn đối với nhóm Nham Trà hay Đơn Tùng thì thời gian “làm héo” sẽ dài hơn. Trà sẽ có thêm một số nốt hương tối hơn như trái cây hay mật ong tuỳ theo giống trà.
Quay thơm
Bên cạnh “làm héo” thì trà Ô Long có một bước quan trọng nữa gọi “quay thơm”. Lá trà được cho vào một lồng trụ dài bằng tre. Sau đó quay đều chiếc lồng này. Công đoạn này giúp cho lá trà bị dập đều trên bề mặt. Mục đích của công đoạn này là giúp lá trà lên men nhanh và dồng đều.
Diệt men
Sau quá trình “làm héo” và “quay thơm”. Khi trà đã lên men đủ và đủ hương. Thì lá trà sẽ được tiếp xúc với nhiệt độ lớn để “diệt men”. Tuỳ nơi thì họ xao trên chảo hoặc dùng cách khác là sấy nóng.
Vò – sấy thành phẩm
Sau bước “diệt men” thì lá trà được vò thành viên (đối với trà Đài Loan hay An Khê). Nham Trà với Đơn Tùng cũng được vò nhưng không định hình thành viên. Trà sau đó được vò và sấy khô xen kẽ.
CÁC LOẠI TRÀ Ô LONG
Nham Trà Vũ Di
Núi Vũ Di nổi tiếng nhất chính là dòng “nham trà” hay “trà Ô long núi đá”. Mặc dù “nham trà” là dòng trà Ô Long xuất hiện đầu tiên. Và nổi tiếng khắp Trung Quốc. Thế nhưng nham trà lại không được biết đến nhiều ở Việt Nam bằng Trà Ô Long Đài Loan hay Thiết Quan Âm (An Khê).
Lý do chính đó là người Việt tiếp cận với Trà Ô Long vào giai đoạn mà dạng trà Ô Long lên men thấp (kiểu Đài Loan) đang thịnh hành. Mà gu người Việt lại là trà xanh. Thế nên kiểu trà với vị xanh và tươi như Ô Long Đài Loan thì sẽ dễ thích hơn.
Nham trà là loại trà được trồng ở các khu vực khe núi hay mỏm đá ở Vũ Di. Từ “nham” ở đây dùng để ám chỉ cấu tạo đất nham thạch giàu chất khoáng. Không chỉ đất mà nước ngầm cũng rất nhiều chất khoáng.
Cây trà còn được bảo vệ bởi các vách đá giúp tránh gió và hạn chế nắng. Các khe núi còn giúp giữ độ ẩm. Nhờ vậy mà nhiệt độ luôn ổn định cả ngày lẫn đêm.
Dòng trà Ô Long núi đá luôn có một vị đặc trưng đó là “nham vận”. Một kiểu vị khoáng, vị ngọt và hương hoa hoà quyện. Uống vào sẽ thấy cay tê lưỡi, hương hoa hương gia vị thơm nồng. Nuốt nước trà xong thì thấy ngọt, mà hương trà thì vẫn cứ bám trong miệng.
Nham trà thật sự hay còn là “chánh nham” chỉ được trồng trong một khu vực gọi là “Tam Khanh Lưỡng Giản”. Bao gồm khu vực 3 hang núi và 2 khe suối. Cộng với 2 khu vực gọi là “ổ” nữa là 7. Tạo thành khu “chánh” làm ra nham trà chính hiệu.
Trà rẻ hơn được trồng ở những khu vực xa trung tâm hơn. Nếu lấy khu vực Tam Khanh Lưỡng Giản làm tâm. Thì có lần lượt những khu vực gần núi và xa hơn. Lần lượt là Bán Nham, Châu Trà và Ngoại Sơn. Ngoài Bán Nham thì còn vẫn có “nham vận” ra. Thì Châu Trà và Ngoại Sơn thì có rất ít mùi vị đúng của nham trà.
Nham trà nổi tiếng nhất tất nhiên là Đại Hồng Bào. Đại Hồng Bào hiện có 2 loại. Loại thứ nhất đúng là cây trà Đại Hồng Bào. Loại này thì rất đắt. Đâu đó trên 10 triệu cho 100g trà tuỳ theo độ “huyết thống” với 6 cây trà “mẹ”.
Loại thứ hai là Đại Hồng Bào “phối”. Loại này hay được phối từ nhiều giống trà khác nhau. Nhưng cách phối ngon và hay gặp nhất là Nhục Quế với Thuỷ Tiên. Một cái lấy hương, một cái lấy vị. Loại này tầm 1-2 triệu cho 100g trà.
Đơn Tùng Phượng Hoàng
Trà Đơn Tùng Phượng Hoànglà nhóm trà Ô Long đến từ núi Phượng Hoàng (thuộc Triều Châu, Quảng Đông). Cách làm trà Ô Long ở nơi đây cũng có nguồn gốc từ Vũ Di.
Lúc trước thì trà ở núi Phượng Hoàng chỉ gọi đơn giản là Trà Ô Long Phượng Hoàng. Hoặc Phượng Hoàng Thuỷ Tiên theo giống trà Thuỷ Tiên phổ biến ở nơi đây.
Nhưng sau này người làm trà ở đây mới nhận thấy là có một số cây trà có hương vị đặc biệt và khác biệt. Thế nên trà của mỗi cây lại được chế biến và bán riêng theo từng cây. Và cái tên “Đơn Tùng” mới ra đời.
Đâu đó có khoảng hơn 2.000 cây trà như vậy. Và mùi hương của những cây trà này được phân thành 10 nhóm khác nhau. Từ hương hoa, hương mật cho đến hương hạnh nhân, gừng và quế.
Sự đa dạng về hương vị này đến từ giống và môi trường. Nhiều giống trà từ nơi khác đến hoặc được phối với giống bản địa tên là Điểu Chuỷ. Giúp tạo ra những giống trà với hương vị trà khác nhau.
Rồi lý do kế tiếp đó chính là môi trường. Núi Phượng Hoàng có kết cấu đất và khí hậu mỗi nơi mỗi khác nhau một chút. Có khi cùng là một giống trà khi trồng ở làng này thì lại có mùi hương này. Trồng ở làng khác thì lại có những mùi hương khác.
Trà Đơn Tùng Phượng Hoàng ở Việt Nam được bán chủ yếu là loại Trừu Thấp. Đây là dòng lên men thấp và sấy lạnh nên nước xanh và nhiều hương hoa. Do hợp gu xanh và tươi của người Việt nên rất phổ biến.
Loại thứ hai mới đúng là trà Ô Long Phượng Hoàng truyền thống. Loại này được lên men cao nên trà thường có cả hương hoa lẫn những hương tối hơn như mật hay trái cây. Một số loại trà nổi tiếng của nhóm này có tên là Mật Lan Hương, Chi Lan Hương hay Áp Thỉ Hương.
Trà Ô Long An Khê
Nhắc đến An Khê thì ít ai biết. Chứ nhắc đến trà Thiết Quan Âm thì dân uống trà Ô Long sẽ nhận ra ngay. Vì trà Thiết Quan Âm gần như là cái tên trà Ô Long được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam.
An Khê là một vùng trà nằm ở phía Nam của Phúc Kiến. Thế nên vùng trà này còn được gọi là Mân Nam Ô Long.
Nếu so sánh trà Thiết Quan Âm với Đại Hồng Bào thì bạn sẽ thấy nhiều điểm khác biệt. Một cái thì lá trà được vo thành viên. Cánh trà xanh. Một cái thì lá lại cong và dài. Cánh trà cũng màu nâu đen. Nước trà của cả 2 loại thì lại càng khác nhau về màu sắc lẫn hương vị.
Thế nhưng sự khác biệt này chỉ mới xuất hiện khoảng vài chục năm gần đây. Còn trước kia thì cả Vũ Di lẫn An Khê có cách làm trà rất giống nhau. Trà Thiết Quan Âm khi xưa cũng được lên men cao. Cọng trà không cuộn thành viên mà cũng dài. Đúng nghĩa là ô long hay “rồng đen”.
Vào những năm 1990s thì cách làm truyền thống của Trà Thiết Quan Âm được thay đổi. Thay vào đó thì trà được lên men thấp. Công đoạn làm héo, vò và sấy cũng được rút gọn. Trà cũng không được hun khô nhiều bằng than nữa. Nhờ vậy mà trà giữ được hương hoa và chất “tươi” nhiều hơn.
Lý do cho sự thay đổi này là sự trỗi dậy của nhóm trà Ô Long xanh mà Đài Loan đã tạo ra. Ngoài ra thì những người làm trà ở An Khê cũng muốn giành lấy thị phần từ lục trà hay trà xanh.
Ở Trung Quốc thì lục trà vẫn luôn loại trà được ưa chuộng nhất. Nên ở An Khê họ cần phải tạo ra một loại trà giống với trà Ô Long của Đài Loan và có hương vị gần với lục trà. Và thế là Thiết Quan Âm kiểu mới ra đời. Và kiểu trà này không chỉ được đón nhận nồng nhiệt. Mà còn biến cái tên Thiết Quan Âm thành loại trà Ô Long nổi tiếng bậc nhất.
Trà Ô Long Đài Loan
Vào khoảng thế kỷ 16 thì các nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha đã khám phá ra Đài Loan. Họ gọi đảo này là Ihla Formosa, có nghĩa là “hòn đảo xinh đẹp”.
Đến thế kỷ 17 thì có một công ty tên là Đông Ấn Hà Lan không chỉ ghé đảo. Mà họ còn sử dụng Đài Loan làm trạm giao thương giữa Trung Quốc và Nhật.
Trong vài thập kỷ sau thì công ty này mới nhận ra là hòn đảo này có tiềm năng cực lớn. Nơi đây không chỉ có khí hậu tốt để trồng mía và lúa. Mà còn tốt để trồng trà nữa. Mà trà thì lại có giá trị rất lớn vào giai đoạn này.
Mặc dù cây trà hoang đã được phát hiện ở Đài Loan vào năm 1717. Nhưng mãi đến đầu thế kỷ 19 thì những hạt giống trà đầu tiên mới được mang từ Phúc Kiến về trồng tại Đài Loan.
Lúc này chính quyền nhà Thanh vẫn hạn chế giao thương. Vậy nên trà làm ra ở Đài Loan chủ yếu bán cho người bản địa và đưa sang Trung Quốc.
Đến khi nhà Thanh bị thua cuộc sau Chiến Tranh Nha Phiến. Thì họ phải bắt buộc mở cửa và cho giao thương tự do hơn. Trà sản xuất ở Đài Loan được xuất khẩu sang Anh và Mỹ. Thế là cái tên trà Ô Long Formosa mới được biết đến nhiều.
Người Đài Loan có một số sáng tạo rất riêng cho trà của họ. Đầu tiên là cây trà được trồng ở những vùng núi cao thuộc dãy Alishan. Tạo nên thương hiệu Cao Sơn Trà. Hay Trà Ô Long Núi Cao để phân biệt với trà đến từ Trung Quốc.
Cải tiến thứ hai nằm ở khâu chế biến. Trà Ô Long được chế biến theo kiểu lên men thấp. Để cho hương vị trà gần giống với Bao Chủng. Một dòng trà xanh nổi tiếng của Đài Loan.
Cách làm trà này mở ra một dòng trà Ô Long xanh hoàn toàn mới. Dòng trà này thực sự đã tạo nên “cơn sốt”. Nhất là ở chính Trung Quốc. Khiến cho chính người làm trà ở An Khê (Phúc Kiến) cũng phải bỏ cách làm trà Ô Long truyền thống. Mà đổi sang làm trà kiểu trà Ô Long xanh.
Và cải tiến thứ ba của người Đài Loan nằm ở giống. Họ đã tạo ra những giống trà Ô Long mới của riêng mình. Nổi tiếng nhất là “ba cô con gái”: Tứ Quý, Kim Huyên và Thuý Ngọc. Trà không chỉ có năng suất cao hơn mà còn có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và dễ thích nghi với môi trường.
Vào đầu những năm 1990s, do du cầu Trà Ô Long Đài Loan tăng cao. Cộng với việc chính phủ cấm việc trồng cây trà ở những vùng núi cao. Vì họ sợ cây bụi thấp và rễ nông như cây trà không có khả năng chống xói mòn. Và để bảo vệ tài nguyên rừng tự nhiên.
Nên người làm trà Đài Loan cũng đã mở rộng trồng và chế biến ở các nước khác. Họ bắt trồng trà ở Vân Nam (Trung Quốc), Lâm Đồng (Việt Nam) và Chiang Rai (Thái Lan).
Trà thành phẩm sẽ được xuất về Đài Loan. Sau đó phối trộn với trà Ô Long địa phương để bán với thương hiệu là Trà Ô Long của Đài Loan.
CÁCH PHA TRÀ Ô LONG
Ở đây mình sẽ không hướng dẫn bạn pha trà Ô Long ngon. Vì ngon là tuỳ mỗi người. Ngon của mình thì sẽ không hẳn là ngon của bạn.
Gu trà Ô Long của mình là gu đậm. Uống trà kiểu cô đặc như bên cà phê họ uống espresso vậy. Nên cách pha mà mình dùng hàng ngày thì sẽ không hợp với đa số người uống trà.
Nên sau đây mình sẽ hướng dẫn một kiểu pha chung chung. Tức là sẽ vừa đủ đậm cho đa số người uống trà. Bạn có thể tham khảo cách pha này. Rồi nên tự điều chỉnh sao cho hợp gu mình nhất.
Đầu tiên chúng ta cần nói về nước. Nước pha trà tốt và dễ tiếp cận nhất là nước tinh khiết. Nước tinh khiết có thể là dạng nước đóng chai hoặc nước bạn tự lọc.
Và điều bạn cần lưu tâm thứ hai đó là nhiệt độ nước. Trừ dòng trà Ô Long từ An Khê ra. Thì tất cả các loại trà còn lại mình đều dùng nước sôi đủ 100 độ. Nếu muốn vừa uống thì bạn có thể dùng nước 90 đến 95 độ C.
Đối với dụng cụ pha thì nên dùng ấm hoặc chén khải. Chất liệu sứ hay bằng đất đều ổn.
Và cuối cùng là cách pha. Đối với mình thì trà Ô Long nên pha kiểu Công Phu Trà. Công Phu Trà về cơ bản là cách pha dùng nhiều trà. Nhưng hãm trà nhanh, chỉ tính bằng giây. Và cả 4 vùng trà Ô Long kể trên đều dùng cách pha này.
Mỗi vùng thì họ sẽ pha khác nhau một chút. Như ở Vũ Di và Triều Châu thì họ sẽ pha rất đậm. Thế nên mình sẽ hướng dẫn bạn cách pha sau mang hơi hướng Đài Loan hơn. Pha nhanh nên về cơ bản là dễ uống.
Tỷ lệ trà và nước là 5g trà cho 100ml nước. Có thể dùng ít trà hơn nếu bạn mới tập uống trà. Nhiệt độ nước tầm 90 đến 95 độ C thôi.
- LÀM NÓNG ẤM CHÉN: cho nước sôi vào đầy ấm. Để tầm 1 phút thì chúng ta rót nước vào các chén quân để làm nóng cũng như làm sạch chén.
- CHO TRÀ VÀO ẤM: cho trà vào ấm đúng theo tỷ lệ mà bạn mong muốn. Bạn có thể đậy nắp ấm rồi lắc nhẹ ấm trà. Sau đó mở nắp ấm và ngửi miệng ấm để cảm nhận hương lá trà khô.
- TRÁNG TRÀ: tiếp tục cho nước vào đầy ấm. Bước này nên cho nước vào đầy ấm thì mới đủ ngập toàn bộ lá trà. Sau đó đợi vài giây thì đổ bỏ nước nước này đi để tráng trà.
- HÃM TRÀ: sau khi tráng thì bạn cho nước sôi vào đầy ấm. Hãm tầm 10s rồi rót nước trà ra chén tống.
- HÃM TRÀ CÁC LẦN KẾ: cộng thêm 10s để hãm trà vào các lần kế tiếp.
Trà sữa pha máy Lu Yu Tea sử dụng nền trà ô long từ xứ Đài và các vùng trà nổi tiếng trong nước, làm nên ly trà sữa pha máy đậm vị, thơm ngon chất lượng đáng thứ.
Tham khảo các sản phẩm:
🤝Để biết thêm thông tin về NHƯỢNG QUYỀN MỞ QUÁN TRÀ SỮA ĐÀI LOAN TRỨ DANH LU YU TEA - PHA MÁY ĐẬM VỊ - SIÊU LỢI NHUẬN
🤝Để tham gia thành viên của GIA ĐÌNH LU YU TEA - NHẤT PHẨM TRÀ GIA
🆘Để phản ánh về chất lượng NVL, chất lượng phục vụ toàn hệ thống của LU YU TEA
👉Xin vui lòng liên hệ:
Công ty CÔNG TY CỔ PHẦN CÀ PHÊ NGUYÊN CHẤT TÂY NGUYÊN
🌺Inbox trực tiếp fanpage:
🧋Trà Sữa Pha Máy Đậm Vị - Lu Yu Tea
🧋Nhượng Quyền Trà Sữa Pha Máy Lu Yu Tea
🌺Website: www.luyutea.vn
🌺Mail : luyuteavietnam@gmail.com - cskh@caphenguyenchat.vn
🌺Hotline: 0913 023 443 - 0919 963 634
🌺Trụ sở công ty : 115 Đồng Văn Cống, P. Thạnh Mỹ Lợi, Tp. Thủ Đức, Tp. HCM
🔥“Hơn cả nhượng quyền là sự phát triển cùng nhau.” - Lu Yu Tea - Nhất Phẩm Trà Gia🧋